Chị Thủy bị u xơ tử cung, không thể điều trị bằng phương pháp thông thường do từng có vết sẹo mổ dọc và ngang, tiềm ẩn nguy cơ tai biến.
Chị Thủy ở TP HCM, bị u xơ tử cung hơn 6 năm nay, đến chu kỳ hành kinh đều rất đau và mất máu rất nhiều. Bác sĩ từ chối điều trị do trước đây bệnh nhân từng phẫu thuật có cả vết sẹo mổ dọc và ngang nên nguy cơ tai biến rất cao. Ngay cả việc sử dụng sóng siêu âm hội tụ để đốt khối u cũng tiềm ẩn nguy cơ bỏng vết sẹo cũ.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang, chị Thủy bị 3 khối u xơ tử cung đường kính từ 30 đến 45 mm. Bệnh nhân từng phẫu thuật có cả vết sẹo mổ dọc và ngang nên nguy cơ tai biến rất cao nếu phẫu thuật. Do vậy bệnh nhân được tư vấn chữa trị bằng phương pháp không xâm lấn, tức là dùng sóng siêu âm cường độ cao để đốt tế bào bị bệnh. Nhằm tránh gây bỏng các vết sẹo cũ, bác sĩ đã sử dụng công cụ hỗ trợ OAR (tránh sóng siêu âm chiếu vào sẹo) và miếng dán bảo vệ sẹo giúp giảm tác động của nhiệt.
Ca điều trị kéo dài 2 tiếng đồng hồ, 100% mô u xơ của bệnh nhân đã bị tiêu diệt. Bác sĩ Đức cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam điều trị thành công u xơ tử cung trên bệnh nhân có vết sẹo mổ dọc, ngang và cả hai. Trước đó một số bệnh nhân lạc nội mạc tử cung có sẹo cũ cũng được chữa thành công bằng phương pháp MR-HIFU.
Bác sĩ Đức khuyên phụ nữ nên chủ động tầm soát u xơ tử cung định kỳ để phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho việc điều trị dễ dàng và ít tai biến hơn. Đây là căn bệnh thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những người bị cường oestrogen, tuổi ngoài 35, không sinh nở hoặc sinh muộn. Bệnh chiếm từ 18 đến 20% trong số các bệnh phụ khoa, có thể gây đau bụng, rong kinh, băng kinh, viêm nhiễm, vô sinh, thậm chí tử vong nếu xoắn vỡ khối u khi cấp cứu chậm trễ.
U xơ tử cung là u nhỏ gồm các tế bào cơ mềm và mô (các sợi nối với nhau) phát triển trong thành tử cung. Khối u xơ có thể xuất hiện đơn lẻ với kích thước nhỏ hay chụm lại thành đám từ 1 mm đến hơn 20 cm. Chúng có thể phát triển bên trong thành tử cung hoặc ngoài bề mặt của tử cung. Trường hợp hiếm thấy, khối u xơ có thể lồi ra ở phần thân hoặc trên của bề mặt tử cung.
Triệu chứng phổ biến nhất của u xơ tử cung bao gồm chảy máu kinh nguyệt nặng, kéo dài chu kỳ “đèn đỏ” đến một tuần hoặc lâu hơn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây áp lực và đau ở vùng chậu, bệnh nhân thường xuyên đi tiểu, táo bón, gặp vấn đề về bàng quang, đau lưng hoặc đau chân. Hiện nay có nhiều phương pháp chữa bệnh này như:
– Điều trị nội khoa: Thường chỉ áp dụng cho các khối u nhỏ hoặc u lớn chờ phẫu thuật. Ngoài ra còn áp dụng trong một số trường hợp u lớn chống chỉ định phẫu thuật can thiệp.
– Can thiệp: Bóc tách lấy đi khối u (nhân xơ) hoặc cắt tử cung bán phần, toàn phần.
– MR – HIFU: Dùng sóng siêu âm khu trú cường độ cao tạo hiệu ứng nhiệt đốt tế bào u, được kiểm soát định vị bằng hình ảnh cộng hưởng từ. Đây là phương pháp điều trị u xơ tử cung tiên tiến nhất thế giới, giúp loại trừ những mô bất thường trong cơ thể mà không cần phẫu thuật, không chảy máu, không để lại sẹo, không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, giúp bảo tồn tử cung, độ an toàn cao. Chỉ sau 3-4 giờ, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt, hôm sau có thể làm việc trở lại.
Theo vnexpress.net