• Tiếng Việt
  • English
  • Cambodia
  • Home / Tin tức / Sức khỏe thường thức / Đánh giá bước đầu phẫu thuật crossen trong điều trị sa sinh dục độ III

    Đánh giá bước đầu phẫu thuật crossen trong điều trị sa sinh dục độ III

    Đánh giá bước đầu phẫu thuật crossen trong điều trị sa sinh dục độ III

    Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam có khoảng 5 – 10% phụ nữ từ 40 – 60 tuổi mắc bệnh són tiểu, sa sinh dục, cá biệt cũng có phụ nữ trẻ ở độ đuổi 25 – 30. Sa sinh dục, són tiểu là những bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Nhiều phụ nữ bị mắc căn bệnh này thường không biết chữa ở đâu và tâm lý hay ngại ngùng, giấu bệnh, đặc biệt họ gặp rắc rối trong quan hệ vợ chồng. Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật sa sinh dục, trong đó có phương pháp Crossen. Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào mức độ sa, nguyện vọng của phụ nữ muốn có con hay không và còn phụ thuộc vào tuổi cũng như tình trạng sức khỏe và bệnh tật của nguời phụ nữ. Phương pháp Crossen là cắt toàn bộ tử cung theo đường âm đạo, khâu treo lại bàng quang, sau đó khâu các mỏm dây chằng ở hai bên lại với nhau làm thành một cái phên vững chắc cùng với mỏm khâu âm đạo để không cho ruột sa xuống. Phương pháp này dùng cho người trên 40 tuổi và sa sinh dục độ III. Đây là một phẫu thuật khó, chỉ được áp dụng ở tuyến Trung ương hoặc tuyến tỉnh.

    Bệnh viện ĐK Thanh Oai đóng trên địa bàn Hà Nội, trước đây gặp những bệnh nhân bị sa sinh dục bệnh viện thường giới thiệu bệnh nhân lên tuyến trên để được phẫu thuật. Tuy nhiên, trước tình trạng số lượng bệnh nhân đến khám vì sa sinh dục ngày một nhiều và đa số những bệnh nhân đều lớn tuổi, bị sa sinh dục đã lâu, lại không có điều kiện để lên tuyến trên điều trị, từ năm 2012, bệnh viện đã triển khai phẫu thuật bằng phương pháp Crossen để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bệnh nhân. Để làm cơ sở cho những bước vững chắc tiếp theo, tôi thực hiện nghiên cứu đánh giá bước đầu hiệu quả của phẫu thuật Crossen trong điều trị sa sinh dục độ III.

    II. GIẢI PHẪU BỆNH VÀ PHÂN ĐỘ SA SINH DỤC

    1. Thể bệnh

    – Sa sinh dục ở người chưa đẻ: Thường là sa cổ tử cung đơn thuần. Cổ tử cung dài sa ra ngoài âm hộ, thành âm đạo không sa.

    – Sa sinh dục ở người đẻ nhiều lần: Trước hết là sa thành trước hay sa thành sau âm đạo, sau đó kéo tử cung sa theo.

    2. Phân độ

    – Sa độ I:

    – Sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang).

    – Sa thành sau (kèm theo sa trực tràng).

    Cổ tử cung ở thấp nhưng còn ở trong âm đạo, ngang với hai gai toạ, chưa nhìn thấy ở ngoài âm hộ.

    – Sa độ II:

    – Sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang).

    – Sa thành sau âm đạo (kèm theo sa trực tràng).

    Cổ tử cung thập thò âm hộ.

    – Sa độ III:

    – Sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang).

    – Sa thành sau âm đạo (kèm theo sa trực tràng).

    Tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ.

    3. Triệu chứng

    Đặc điểm của bệnh là tiến triển rất chậm, có thể từ 5 đến 20 năm và sau mỗi lần đẻ, lao động nặng trường diễn, sức khoẻ yếu, mức độ sa sinh dục lại tiến triển thêm.

    Cơ năng

    Tuỳ thuộc từng người sa nhiều hay ít, sa lâu hay mới sa, sa đơn thuần hay phối hợp, triệu chứng cơ năng rất nghèo nàn.

    Triệu chứng thường là khó chịu, nặng bụng dưới, đái rắt, đái són, đái không tự chủ, có khi đại tiện khó. Triệu chứng trên chỉ xuất hiện khi bệnh sa lâu, mức độ cao.

    Thường gặp 3 độ như trên, nếu sa độ II hay độ III, bệnh nhân có thế thấy một khối ra ngoài âm hộ. Chẩn đoán dễ.

    Chẩn đoán phân biệt

    – Lộn lòng tử cung.

    – Cổ tử cung dài, phì đại đơn thuần ở những phụ nữ còn trẻ, chưa đẻ.

    – Polyp cổ tử cung.

    – Khối u âm đạo.

    4. Điều trị

    – Điều trị nội khoa

    Ở những bệnh nhân già yếu, mắc các bệnh mãn tính, không có điều kiện phẫu thuật: Vệ sinh hằng ngày, hạn chế lao động, có thể dùng các thuốc đông y nhưng kết quả không được như mong muốn.

    – Điều trị ngoại khoa

    Đây là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa sinh dục. Có nhiều phương pháp phẫu thuật trong điều trị sa sinh dục, nhưng có phương pháp thông dụng là: Manchester, Crossen và Lefort.

    Mục đích phẫu thuật nhằm phục hồi hệ thống nâng đỡ tử cung, nâng bàng quang, làm lại thành trước, thành sau âm đạo, khâu cơ nâng hậu môn và tái tạo tầng sinh môn. Phẫu thuật sa sinh dục chủ yếu bằng đường âm đạo hơn là đường bụng. Ngoài cắt tử cung đơn thuần, nó còn tái tạo lại các thành âm đạo, vì vậy phẫu thuật trong sa sinh dục còn mang tính chất thẩm mỹ. Đây là ưu điểm chủ yếu mà phẫu thuật đường bụng không thể thực hiện được.

    5. Các yếu tố có liên quan đến lựa chọn phương pháp phẫu thuật:

    – Tuổi và khả năng sinh đẻ sau khi phẫu thuật.

    – Khả năng sinh lý tình dục

    – Thể trạng chung của bệnh nhân

    – Mức độ sa sinh dục

    III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    Đối tượng: Tất cả các bệnh nhân điều trị phẫu thuật cắt tử cung ngã âm đạo tại Bệnh viện ĐK Thanh Oai.

    * Tiêu chuẩn chọn bệnh: Bệnh nhân được chẩn đoán sa sinh dục độ III, có kèm hay không kèm són tiểu, sa bàng quang, sa trực tràng.

    * Tiêu chuẩn loại trừ: Những bệnh nhân có kèm bệnh lý nội khoa, khi được khám tiền mê không đảm bảo sức khỏe để thực hiện cuộc mổ an toàn.

    Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang

    Phần mềm vi tính sử dụng: Thống kê thông thường.

    IV. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

    Trong tổng số 11 ca mổ, chúng tôi thu được kết quả như sau:

    1. Theo tuổi: tuổi thấp nhất 54 tuổi, tuổi cao nhất 77 tuổi, trung bình 63 tuổi.

    2. Para

    Sinh lần Số lượng Tỉ lệ %
    2 1 9
    4 2 18
    5 3 27
    6 3 27
    7 1 9
    9 1 9

    3. Địa chỉ

    Địa chỉ Số lượng Tỉ lệ %
    Hồng Dương 4 36
    Phương Trung 5 45
    Cao Dương 1 9
    Liên Châu 1 9

    4. Triệu chứng lâm sàng

    Triệu chứng Số lượng Tỉ lệ %
    Sa sinh dục 8 73
    Sa sinh dục + són tiểu 3 27

    5. Thời gian ủ bệnh: trung bình đều trên 1 năm.

    6. Cao huyết áp đi kèm

    Số lượng Cao huyết áp Bình thường
    11 1(ha = 16/10) 11

    7. Xét nghiệm máu

    Bình thường Bất thường Ghi chú
    10 1 Ast và alt= 69, 58

    8. Đường huyết

    Số lượng Dưới 140mg% Trên 140mg%
    11 10 1(159mg%)

    9. X-quang và siêu âm bụng tổng quát: bình thường.

    10. Phương pháp vô cảm: 100% tê tủy sống.

    11. Thời gian phẫu thuật:

    Sơ lượng Ngắn nhất Dài nhất Trung bình
    11 70 phút 120 phút 90 phút

    Thời gian phẫu thuật trung bình 90 phút, ngắn hơn Bệnh viện ĐK Thống Nhất (150 phút), tương đương Bệnh viện ĐK Đồng Nai.

    12. Kháng sinh điều trị: Nhóm cephalosporin thế hệ 3 như cefotaxim, ceftazidim.

    13. Thời gian hậu phẫu: 7 ngày.

    14. Tai biến và biến chứng: không ghi nhận trường hợp nào. Có lẽ số lượng phẫu thuật còn ít hoặc do chuẩn bị kỹ lưỡng nên tránh được tai biến. Bệnh viện ĐK Đồng Nai ghi nhận phẫu thuật này trên 15 năm, có một trường hợp thủng trực tràng nhưng được khắc phục tốt trong khi mổ.

    15. Truyền máu: không ghi nhận trường hợp nào.

    16. Tái khám sau mổ:100% bệnh nhân tái khám sau mổ, kết quả tốt, bệnh nhân sinh hoạt thoải mái, không ghi nhận biến chứng.

    V. KẾT LUẬN:

    Bước đầu hiệu quả của phẫu thuật Crossen trong điều trị sa sinh dục độ III được ghi nhận, đây là phẫu thuật khó nhưng với sự chuẩn bị chu đáo cho bệnh nhân cũng như trình độ của đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện ĐK Thanh Oai hoàn toàn có thể thực hiện được, đem lại niềm vui cho người bệnh.