• Tiếng Việt
  • English
  • Cambodia
  • Home / Tin tức / Tin tức hoạt động / Khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe ở Hà Nội: Chưa đạt mục tiêu

    Khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe ở Hà Nội: Chưa đạt mục tiêu

    Khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe ở Hà Nội: Chưa đạt mục tiêu

    ANTD.VN – Kết thúc đợt đầu tiên triển khai thí điểm khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân tại 5 quận, huyện của Hà Nội, một số nơi chỉ đạt 70-80% kế hoạch đề ra.

    Ngày 12-3, Hà Nội kết thúc đợt thí điểm đầu tiên triển khai khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân tại 10 xã, phường của 5 quận/huyện (kéo dài hơn 2 ngày so với dự kiến). Kết quả nhiều nơi rất tích cực song một số nơi khác người dân còn thờ ơ, nhận thức chưa đúng.

    ảnh 1

    Triển khai thí điểm khám sàng lọc và quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử tại Trạm y tế xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm

    Còn nhiều khó khăn

    Là một trong hai địa phương đầu tiên của Hà Nội thực hiện thí điểm khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân ngay từ ngày 1-3, song sau khi kết thúc thí điểm, quận Long Biên chưa hoàn thành được mục tiêu khám và lập hồ sơ cho 100% người dân. Ông Phạm Như Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận cho biết, những đối tượng chưa được khám và quản lý hồ sơ là những người đi làm xa nên việc khám và lập hồ sơ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, còn có cả những người dù biết mình bị bệnh mạn tính, song muốn giấu bệnh nên không đến khám.

    Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long chia sẻ, dù chính quyền địa phương đã đến “gõ cửa từng nhà”, thậm chí tổ chức khám sức khỏe khám đến 21h, nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với việc khám sàng lọc và lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Qua tìm hiểu, nhiều người dân cho rằng, nếu chỉ được khám sơ bộ ban đầu như khám lâm sàng, đo huyết áp, các chỉ số cân nặng, tai mũi họng… mà không có xét nghiệm chuyên sâu thì không nhất thiết phải tham gia.

    Trong khi đó, tại huyện Sóc Sơn, qua thí điểm tại Trạm Y tế xã Phù Linh và Trạm Y tế thị trấn Sóc Sơn, người dân đến khám tại trạm rất đông, đạt kết quả cao với 100% người dân trên địa bàn được khám sàng lọc và quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử. Tại Trạm Y tế thị trấn Sóc Sơn, chỉ trong 3 ngày đầu tiên, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 người dân đến khám.

    Qua khám sàng lọc, các bác sĩ phát hiện một số người dân mắc bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, sỏi thận, phổi, gan, mật… và tư vấn chuyển bệnh nhân lên khám chuyên khoa sâu để được chăm sóc sức khỏe kịp thời nhất. Bác Nguyễn Thị Mai (67 tuổi, địa chỉ tổ 1, thị trấn Sóc Sơn) tâm sự: “Việc triển khai khám sàng lọc và lập hồ sơ quản lý sức khỏe thể hiện sự quan tâm đến bà con nông dân, nhờ đó mà chúng tôi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, tạo điều kiện cho bà con chúng tôi không phải đi lại vất vả, đỡ phải lên các bệnh viện tuyến trên”.

    Lợi ích lâu dài

    Nói về kết quả trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, qua hơn 10 ngày thí điểm, người dân ở nhiều nơi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa về việc khám, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân, thậm chí chỉ quan tâm đến việc chất lượng khám sức khỏe ra sao, liệu đến xã khám có ra bệnh hay không… nên chưa đi khám.

    Trong khi việc khám sức khỏe ban đầu để sàng lọc bệnh, đặc biệt là việc lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân có ý nghĩa rất lớn. Đây chính là giải pháp lâu dài giảm chi phí về y tế cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Hơn nữa, với việc được lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân, sau này khi đi khám bệnh tại bất cứ bệnh viện nào trên cả nước, mỗi người dân chỉ cần đọc mã quản lý sức khỏe của mình là bệnh viện sẽ biết được tiền sử và tình hình sức khỏe trước đó của người bệnh để điều trị kịp thời…

    Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sau đợt thí điểm đầu tiên tại 10 xã, phường nói trên, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổng hợp, rút kinh nghiệm và báo cáo UBND TP trước khi triển khai rộng ra toàn thành phố. Hà Nội quyết tâm đến hết tháng 9-2017 sẽ hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 100% người dân trên địa bàn.

    Để công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe được kịp thời, không bỏ sót đối tượng, ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, trong đợt triển khai tới cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng trách nhiệm; có vậy mới thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cho nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở.