Từ ngày 1-8-2018, các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử
NDĐT – Đó là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử và Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Tại Hội thảo đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện được tổ chức ngày 30-6 tại Quảng Bình, đã có sự tham dự của 120 đại biểu đến từ các vụ, cục, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, một số công ty CNTT, chuyên gia CNTT trong nước và chuyên gia CNTT Nhật Bản.
Hội thảo là nơi gặp gỡ, trao đổi, thảo luận giữa ba nhà: nhà quản lý (Bộ Y tế, Sở Y tế), nhà sử dụng (bệnh viện), nhà cung cấp (công ty CNTT) và các chuyên gia CNTT để thống nhất triển khai có hiệu quả bệnh án điện tử trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trước mắt là các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sau đó sẽ nhân rộng trong toàn quốc.
PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng CNTT (Bộ Y tế) cho biết: triển khai bệnh án điện tử (EMR) tại các bệnh viện là một hoạt động quan trọng của Bộ Y tế nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bệnh viện. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đã có hệ thống thông tin bệnh viện; sáu bệnh viện trong dự án bệnh án điện tử của Bộ Y tế đã triển khai bệnh án điện tử nhưng chưa hoàn chỉnh.
Tại Hội thảo, Cục CNTT chính thức yêu cầu các bệnh viện khẩn trương triển khai EMR, trước hết các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế từ nay đến ngày 1-1-2018 phải xây dựng Dự án triển khai bệnh án điện tử, trình Bộ Y tế phê duyệt để triển khai EMR từ ngày 1-1-2018. Các Sở Y tế cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai EMR.
Việc triển khai EMR ở Việt Nam là tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển y tế điện tử ở trong nước và quốc tế. Triển khai bệnh án điện tử là quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ, khó khăn, phải đầu tư nhiều nguồn lực. Do vậy, Bộ Y tế, các Sở Y tế cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai EMR.
PGS, TS Trần Quý Tường đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xây dựng phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như của Bộ Y tế.
Theo đó, một số yêu cầu cụ thể là phần mềm Quản lý thông tin bệnh viện (HIS) phải chuẩn hóa toàn bộ danh mục dùng chung hiện đang sử dụng trong phần mềm theo danh mục dùng chung do Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền ban hành; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động trang bị hoặc nâng cấp phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế nhằm bảo đảm kết nối liên thông, trao đổi dữ liệu.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động trang bị hoặc nâng cấp phần mềm chẩn đoán hình ảnh (RIS/PACS), áp dụng tiêu chuẩn HL7 và DICOM nhằm bảo đảm khả năng kết nối liên thông, trao đổi dữ liệu chẩn đoán hình ảnh giữa RIS/PACS với phần mềm HIS và với các thiết bị sinh ảnh.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải trang bị hoặc thuê phần mềm bệnh án điện tử phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ dữ liệu, thông tin cho EMR; phải áp dụng tiêu chuẩn nhằm bảo đảm khả năng kết nối liên thông, trao đổi dữ liệu lâm sàng với các phần mềm y tế khác.
PGS, TS Trần Quý Tường cũng đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện khẩn trương xây dựng dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc triển khai EMR tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNTT nên đầu tư, hỗ trợ ban đầu cho các bệnh viện triển khai thí điểm EMR và phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện các tài liệu chuyên môn, hướng dẫn triển khai EMR.
Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn về EMR, tài liệu chuyên môn, hướng dẫn cụ thể triển khai EMR; Bộ Y tế cần phối hợp Bộ Tài chính để quy định kinh phí CNTT được tính vào giá thành dịch vụ y tế và được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.
MINH HOÀNG