Men theo làn đỏ chỉ đường dưới chân mình, tôi và người bạn đồng nghiệp nhận ra mình đang bước ngược chiều với mọi người trên hành lang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Gần như ai cũng đang cố tránh hướng đi của chúng tôi. Càng tiến dần về Khoa Cấp cứu, nơi biển báo KHU VỰC CÁCH LY càng xuất hiện nhiều hơn thì bóng người lại càng thưa thớt. Hai chúng tôi còn không dám tự hỏi nhau rằng: Liệu mình có đang dũng cảm quá hay liều lĩnh quá?
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít thoáng giật mình khi thấy chúng tôi ngồi ở hành lang của Khoa. Tôi phải trình bày rằng mình có hẹn với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – trưởng khoa lúc 10h30, thì người này mới chia sẻ: “Anh Cấp rời khỏi văn phòng từ sáng. Chị gọi điện thoại đi, giờ này anh ấy lắm việc lắm.”
Và chúng tôi đã phải chờ đến 11h25, bác sĩ Cấp mới xuất hiện và bắt đầu ngay cuộc trò chuyện. Suốt gần 1 giờ đồng hồ trao đổi, bác sĩ không hề uống nước và đương nhiên cũng không có màn mời nước chúng tôi. Chiếc bình thủy tinh trống không được bày cùng với bộ chén đĩa ngay ngắn trên bàn tiếp khách. Dường như vài hôm rồi, chúng không được sử dụng. Anh ngồi trực diện tôi, dựa lưng vào mảng tường trắng có duy nhất một móc dán treo chiếc khẩu trang y tế mà bác sĩ vừa đeo.
Thanh An: Câu đầu tiên tôi muốn hỏi thăm chính bác sĩ. Dường như anh đang rất mệt?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Thực sự là mệt. Nói thực vừa nãy đi từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) về đây là tôi bị lạc đường. Vì những ngày qua chúng tôi đã quá tải công việc rồi. Có quá nhiều công việc phải xử lý trong lúc chống dịch dẫn đến có giây nào đó mình sao nhãng, đi lạc cỡ hơn 1 cây số rồi mới nhớ ra mà quay lại. Chắc tôi cũng sẽ phải cố gắng hạn chế việc di chuyển trong thời gian tới.
Thanh An: Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về những công việc hiện tại mà anh và đồng nghiệp của mình đang phải đảm nhiệm?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Công việc của Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ yếu là tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Ngoài các ca bệnh thông thường khác của các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, giờ đây chúng tôi là tuyến đầu trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm virus cúm Corona. Hiện tại Khoa đang điều trị 2 bệnh nhân dương tính với virus nCoV. Thực tế thì bệnh tình của 2 bệnh nhân này cũng đơn giản thôi, không quá nặng. Nói chung đến thời điểm này sức khỏe của họ ổn định, tâm lý ổn định khiến cho quá trình điều trị có những tiến triển khả quan. Không có gì thay đổi đầu tuần tới chúng tôi sẽ xét nghiệm lại, nếu âm tính họ có thể ra viện được.
Một diễn biến mới là đêm hôm qua (31/1) Khoa có tiếp nhận trường hợp bệnh khá nặng, tuy nhiên các yếu tố liên quan đến dịch không có nhiều. Ca này mặc dù vẫn trong diện phải sàng lọc nhưng chúng tôi hướng nhiều đến lý do bị viêm phổi nặng do căn nguyên khác.
Bên cạnh đó, trong tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang có những diễn biến rất phức tạp như hiện nay, chúng tôi còn phải đảm nhiệm những nhiệm vụ như: tổ chức hoạt động cách li, công tác đảm bảo an toàn cho CBCNV, cũng như đào tạo tập huấn cho người lao động… Thực tế là chúng tôi đang ở tuyến đầu chống dịch cho nên có rất nhiều việc. Nó cũng giống như kiểu nhà có đám cưới ấy, công việc chính không phải chỉ là cô dâu chú rể đi 1 vòng. Mà để tổ chức được đám cưới đó thành công thì có muôn vàn việc xung quanh.
Thanh An: Muôn vàn việc xung quanh đó đang tác động như thế nào đến bác sĩ và các đồng nghiệp của mình?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như trong những ngày tới diễn biến của dịch vẫn tiếp tục mang đến sự quá tải cho nhân viên y tế chúng tôi.
Bởi vì như chúng ta đã biết, có lẽ trên thế giới hiếm có quốc gia nào như nước ta tình trạng FAKE NEWS (tin giả, tin nhảm) và thông tin lộn xộn trên các MXH nó lại trầm trọng đến như vậy. Nó là những thông tin gây rối. Và vì thế nó làm cho xã hội bị nhiễu loạn, tạo ra những lo lắng không cần thiết hoặc chủ quan không cần thiết hoặc chạy theo những xu hướng cực đoan kỳ dị. Thậm chí còn xuất hiện cả lời kêu gọi kinh khủng: uống nước tiểu để phòng và chữa virus Corona thì không còn gì để nói… Những thông tin sai nghiêm trọng như vậy chỉ dẫn đến quá nhiều sự rối loạn.
Để sự rối loạn đó lan đến cả khu vực điều trị cách ly đặc biệt như chúng tôi thì thực sự nguy hiểm. Nó gây phân tán nguồn lực một cách quá lãng phí và không cần thiết.
Ví dụ như thay vì chúng tôi tập trung nhân viên y tế để chăm sóc, điều trị cho 2 bệnh nhân thực sự thì hôm cuối tuần vừa rồi chúng tôi phải phân công y bác sĩ đi giải thích cho ba chục người kéo đến vì lo lắng. Vậy là rõ ràng bệnh nhân cần chăm sóc thực sự sẽ không được chăm sóc một cách tương xứng. Thậm chí tình huống đột biến ở đây là đã có những đối tượng vào gây sự với nhân viên y tế để quay clip với hy vọng nhân viên y tế phản ứng lại một cách không phù hợp là họ sẽ có được một thứ cực kỳ hot trend để câu view, câu like. Và đó là điều đã làm cho nhân viên y tế cực kỳ ức chế. Mà ác thay vụ dịch nào cũng có chuyện đó.
Thanh An: Ngay trong vụ dịch này ư, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Có chứ! Luôn luôn có! Bất cứ vụ dịch nào. Cụ thể là ngày hôm 31/1, một người có những biểu hiện tình nghi, hùng hổ vào đây gây sự quát nạt. Họ không hoàn toàn là bệnh nhân. Họ vào và yêu cầu được xét nghiệm. Khi nhân viên y tế nhận thấy họ không có dấu hiệu hay yếu tố gì để cần phải xét nghiệm thì họ bắt bẻ nhân viên y tế điều này điều kia, gây sự ồn ào. Vậy thôi, chẳng có lý do gì cả.
Thanh An: Woah, vào Khoa Cấp cứu này vào đúng những ngày cao điểm của dịch? Sao họ liều lĩnh đến vậy?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Họ chỉ cần được nhiều view trên cuộc sống ảo của họ thôi chứ họ đâu có quan tâm đến đời sống sức khỏe thực sự của bản thân. Sự xử lý của nhân viên y tế lúc này là gì? Chỉ là cố gắng đừng để cho người ta lợi dụng những tình huống đó. Nhưng mà phải nói thật, chúng tôi quá mệt mỏi, chúng tôi quá kiệt sức vì fake news, câu views và những thứ gây sự như thế. Không phải lúc nào chúng tôi cũng bình tĩnh được đâu.
Thanh An: Tôi rất chia sẻ với những bức xúc như thế này!
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Không bạn ạ! Đó thực sự là hành vi phá hoại. Tôi thấy ngao ngán luôn, đặc biệt là trong tình hình chúng tôi ai cũng phải gồng mình lên gấp 2 gấp 3 lần bình thường để chống dịch.
Thanh An: Đứng ngay tuyến đầu trực tiếp chiến đấu với virus Corona để giành lại sự sống cho bệnh nhân, bác sĩ đánh giá như thế nào về đối thủ của mình?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Chúng ta quay lại với năm 2003 khi dịch SARS ập đến, trong giai đoạn đầu tiên ấy cả thế giới chưa biết nó là cái gì dẫn đến tất cả đều vô cùng hoảng loạn. Thế còn bây giờ với dịch cúm do chủng virus corona mới này hoành hành, chúng tôi đã biết đối thủ của mình là gì rồi, cho nên sự lo lắng phần nào đã được giảm đi.
Chính xác virus này cùng với những căn bệnh mà nó mang lại là đối thủ sống còn của chúng tôi lúc này. Chúng tôi biết rằng dịch bệnh sẽ luôn luôn xuất hiện, có thể từ một chủng virus, hay vi khuẩn hoặc từ một mầm bệnh bất kỳ nào đó…
Loài người nói chung và ngành y nói riêng chưa bao giờ diệt hết được dịch bệnh. Có chăng trong môi trường vô trùng đặc biệt thì đối thủ của ngành y tế sẽ có cơ hội được triệt tiêu. Còn trong môi trường sống tự nhiên, chúng ta diệt được con virus này thì con khác nó sẽ lại xuất hiện. Và chỉ có chiến thắng được nó qua mỗi trận đánh thì chúng ta mới tồn tại. Lịch sự phát triển của loài người cho đến ngày hôm nay đã luôn ghi nhận rằng chúng ta bắt buộc phải chiến thắng trước rất nhiều cuộc tấn công của nhiều chủng, nhiều loại virus gây bệnh vô cùng nguy hiểm. Và thực tế, chúng ta đã tiêu diệt quá nhiều loài, nhiều chủng khác rồi nên chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm.
Thậm chí, có những virus mà chúng ta tưởng đã ngủ yên rồi như là Sởi, như là Tả một thời điểm nào đấy với một yếu tố thuận lợi nào đó, tự nhiên nó lại có thể bùng phát trở lại. Do đó, chúng tôi những y bác sĩ luôn phải trong tư thế sẵn sàng cho việc sẽ xuất hiện một bệnh gì đấy, một dịch bệnh gì đó để chiến đấu. Công việc của chúng tôi là như vậy.
Trở lại với dịch viêm phổi từ virus Corona mới ở Việt Nam, tính đến ngày 2 tháng 2, chúng ta đã phát hiện và cách ly điều trị cho 7 bệnh nhân. Trong đó có 5 bệnh nhân là thanh niên trẻ khỏe, nền tảng thể lực tốt dẫn đến diễn biến bệnh tình không có gì đặc biệt. Sốt mấy hôm sau rồi tự khỏi. Còn 1 bệnh nhân người Trung Quốc cao tuổi và có bệnh lý nền thì diễn biến khá nặng đòi hỏi phải can thiệp nhiều. Sau một quá trình điều trị can thiệt tích cực, đến bây giờ bệnh nhân cũng đã qua khỏi.
Diễn biến này cũng giống như mô hình bệnh bên Trung Quốc, những người trẻ khỏe không có vấn đề gì quá đáng lo nhưng những người cao tuổi có bệnh nền sẽ bị nhiễm nặng. Tuy nhiên điều trị đối với những bệnh nhân nặng đòi hỏi sự can thiệp rất nhiều. Những can thiệp này đòi hỏi sử dụng nhiều trạng thiết bị, máy móc hiện đại, bởi vậy rất hiệu quả nếu như số lượng bệnh nhân ít, trong tầm trang bị của ngành y tế. Còn nếu như số lượng bệnh nhân bùng phát quá đông thì sợ rằng nguồn lực của chúng ta khó mà đảm bảo được hiệu quả điều trị như là một số những trường hợp đầu tiên. Vấn đề nằm ở chỗ đó.
Thanh An: Kinh nghiệm từ những lần chống dịch trước đây đã giúp gì cho Bệnh viện Nhiệt đới TW đối phó với dịch bệnh thời điểm này?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Bệnh viện Nhiệt đới TW là cơ sở y tế thường xuyên chống dịch. Điển hình như năm 2003, chúng tôi phải đối mặt với dịch SARS, sau đó thì là một loạt các dịch như cúm AH5N1, cúm lợn H1N1… rồi hàng năm luôn luôn có dịch sốt xuất huyết, mấy năm lại có một vụ dịch cúm, dịch sởi, dịch tiêu chảy cấp, dịch tả… Đến thời điểm này mới chỉ có 2 vụ dịch mà chúng tôi dù đã chuẩn bị rất kỹ càng các phương án tác chiến nhưng may quá, nó không xâm nhập vào Việt Nam là Mers – CoV và Ebola. Kinh nghiệm quý giá nhất và sống còn nhất chúng tôi rút ra được khi chống dịch đó là đảm bảo an toàn cho bản thân.
Thầy thuốc mà không an toàn thì cả thầy thuốc và bệnh nhân đều chết. Thế cho nên các kỹ năng để đảm bảo an toàn cho thầy thuốc cũng như tránh lây truyền chéo giữa bệnh nhân sang thầy thuốc, hay giữa bệnh nhân với nhau là điều cực kỳ quan trọng. Ngay cả những hành động rất đơn giản cũng phải thành quy trình kỹ năng như cởi một cái áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở một cánh cửa hay rửa đôi bàn tay… Tất cả đều phải đảm bảo an toàn.
Ví dụ chi tiết nhỏ nhất là cởi bỏ cái găng tay, quy trình này của Tổ chức Y tế thế giới ban hành đương nhiên rất quy chuẩn. Tuy nhiên chúng tôi xét thấy rằng, nếu Ebola mà vào Việt Nam thì quy trình ấy có nguy cơ gây vấy bẩn ở cổ tay. Và chúng tôi bắt buộc phải cải tiến để nó phải trở thành quy trình không tồn tại nguy cơ vấy bẩn. Kỹ thuật khá là khó, thậm chí khi tôi chia sẻ với các đồng nghiệp nước ngoài thì cũng phải rất lâu sau đó họ mới làm được chuẩn những động tác như thế.
Thanh An: Chúng ta vẫn phải có kênh riêng để thường xuyên cập nhật thông tin dịch từ Trung Quốc và trên thế giới chứ thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Thứ nhất, Bộ Y tế Việt Nam luôn có kênh làm việc với các cơ quan tương đương của Trung Quốc một cách nhanh chóng và họ cũng cung cấp thông tin tương đối đầy đủ. Thứ hai là các đồng nghiệp của chúng tôi ở bên đó cũng rất tích cực, họ thường xuyên đăng tải và cập nhật những nghiên cứu, những diễn biến mới nhất về dịch và chủng virus này.
Thật ra mà nói, đây cũng là vụ dịch hiếm hoi mà sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, của ngành y thế giới nhanh nhạy và hiệu quả như thế. Trong vòng chỉ có mấy ngày thôi, họ giải giải trình được toàn bộ gen của con virus. Từ đó mà họ xác định được cơ chế hoạt động, lây nhiễm của virus này. Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả làm việc của các đồng nghiệp Trung Quốc. Thế giới và WHO cũng rất chi là quan tâm. Họ thường xuyên cập nhật thông tin và sẵn sàng chia sẻ ngay cho chúng tôi.
Và khi mà chúng tôi được cập nhật những thông tin như vậy, thì Việt Nam đã phải có những bước chuẩn bị rất gấp rút. Các chuyên gia y tế đã phải thu thập thông tin, tài liệu để tham gia vào nhóm chuẩn bị phác đồ điều trị. Rồi chúng tôi lại còn xây dựng bài giảng để tư vấn cho tuyến dưới chuẩn bị các phần việc cần thiết đón đầu dịch… Tất cả những phần việc đó đều phải chuẩn bị trước khi dịch ập đến.
Điều đó có nghĩa là các bệnh viện trước khi có bệnh nhân luôn phải được đào tạo tất cả các nội dung: chuẩn đoán, điều trị, dự phòng cách ly, đảm bảo an toàn cho CBCNV, cho những người trực tiếp tham gia tổ chức nên hệ thống chống dịch tại cơ sở như thế nào cho hiệu quả và đảm bảo an toàn đối với cộng đồng.
Thanh An: Vậy phác đồ điều trị dịch bệnh này bắt đầu có từ lúc nào thưa ông?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Trong quá trình theo dõi và phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, chỉ cần chúng tôi nhận thấy có một yếu tố nguy cơ nào đó có thể xảy đến với Việt Nam thì ngay lập tức, chúng tôi tập hợp đội ngũ chuyên gia, thu thập thông tin từ tất cả các nguồn, các đồng nghiệp trên toàn thế giới cũng như là của WHO để chủ động xây dựng ra một phác đồ điều trị tạm thời. Thế là trên cơ sở thực tế khi dịch xuất hiện, chúng ta có bệnh nhân thì sẽ có nhiều thông tin hơn từ cơ thể bệnh. Qua đáp ứng của các cơ thể bệnh sẽ giúp chúng tôi sửa đổi phác đồ ban đầu đó sao cho phù hợp với thực tế.
Và tôi nhớ không nhầm thì bản dự thảo hướng dẫn chẩn đoán – điều trị bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona đã được ban hành trước khi dịch vào Việt Nam cỡ độ 2 tuần. Nghĩa là chúng ta đã có sự chủ động phòng và chống dịch từ trước khi dịch có thể phát sinh ở Việt Nam. Hiện tại phác đồ điều trị đầu tiên này vẫn đang chứng tỏ hoàn toàn phù hợp cho nên nó chưa có điều gì cần sửa đổi.
Thanh An: Tại thời điểm này thì tâm lý của các y bác sĩ đang trực tiếp đối diện với dịch bệnh là như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Tất cả mọi người đều lo ngại. Chúng ta phải nói thẳng với nhau như thế. Tuy nhiên là gì? Mọi người ở bệnh viện chúng tôi cũng đều đã được trải nghiệm, được rèn luyện qua nhiều vụ dịch rồi. Công tác chuẩn bị ban đầu chúng tôi đã làm khá ổn cho nên mặc dù rất cảnh giác, nhưng mọi người đang rất bình tĩnh.
Tuy nhiên có những vấn đề khác phụ trợ cho hoạt động điều trị lại cần phải lưu ý và điều chỉnh. Chẳng hạn như khâu hậu cần ngay từ ban đầu đã có những điểm không ổn. Bởi vì dịch về Việt Nam vào đúng dịp Tết cho nên việc đảm bảo cung ứng dịch vụ ăn uống cho người bệnh không hề dễ. Đặc biệt với đối tượng người nước ngoài, họ đâu có dễ dàng ăn miến với bánh chưng như mình được. Thế là họ bị cách ly ở đây, không được đi ra ngoài; các cơ sở dịch vụ bên ngoài lại đóng cửa hết, nhân viên chúng tôi cũng có một số bộ phận nghỉ Tết, những người còn lại bị quá tải chẳng thể nấu cơm phục vụ họ được. Thành ra dẫn đến sự bức xúc ở mức độ nhất định.
Vấn đề thứ hai là do bệnh mới, cho nên quy trình xét nghiệm ban đầu cũng chưa có sẵn các công cụ cần thiết. Những ngày đầu tiên phải mất đến 3 ngày mới xong. Nhiều bệnh nhân cũng bức xúc về chuyện người ta phải nằm đợi quá lâu mới có kết quả. Rất may từ ngày 31/1, chuỗi mồi để làm xét nghiệm đã về rồi. Bây giờ Viện Vệ sinh dịch tễ TW có thể xét nghiệm trong vòng 1 ngày là cho kết quả. Hy vọng rằng tình trạng chờ đợi sẽ đỡ căng thẳng hơn.
Thanh An: Có nghĩa là chống dịch không chỉ chiến đấu với virus, mà những người lính áo trắng còn phải giải quyết rất nhiều chướng ngại vật để đến được điểm đích thắng dịch bệnh?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Ở đây, chúng tôi phân ra hai đối tượng mà hoạt động chống dịch phải hướng đến là những người trong diện nghi ngờ, cách ly theo dõi và bệnh nhân nhiễm virus dương tính. Hai đối tượng này chúng tôi đều phải quán triệt rằng chúng ta đang cùng một chiến hào chống dịch, mà chống dịch thì khác với đi chữa bệnh thông thường. Nhưng ít người hiểu được vấn đề.
Thực ra, chúng ta phải hiểu rằng bất cứ một trận chiến nào với dịch bệnh cũng đều mang những hình ảnh hay dấu ấn khiến người ta liên tưởng đến chiến tranh, thảm họa. Tức là khi dịch bệnh xảy ra đồng nghĩa với việc nhu cầu phòng và chữa trị đe dọa đến khả năng đáp ứng. Thế cho nên với một nguồn lực thấp hơn so với nhu cầu, chúng ta phải phân phối thế nào cho hợp lý nhất để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Đó là phương pháp quan trọng trong tất cả các hoạt động chống dịch.
Đã có bệnh nhân dương tính nghĩa là có sự bất ổn. Khi dịch bùng phát ở quy mô toàn cầu, cả thế giới phải chịu chung tình trạng này. Đây không phải là vấn đề kinh phí chống dịch đâu nhé. Đấy là đặc trưng của chiến tranh và thảm họa. Trong chiến tranh, chiến sĩ ra chiến trận không bao giờ đòi hỏi đi trên một chiếc xe êm ái, mà chúng ta chỉ cần đi được đến đích an toàn. Trong thảm họa cũng vậy. Trong chống dịch cũng vậy. Không bao giờ bệnh nhân đạt được sự thoải mái, dễ chịu một cách tối đa (như họ có thể có được ở các khoa dịch vụ theo yêu cầu ngày thường chữa các bệnh mãn tính – PV). Lúc này, chúng tôi chỉ có thể cung cấp những dịch vụ đạt ngưỡng an toàn ở mức tối đa mà thôi. Và nó dành cho tất cả mọi người trong vụ dịch.
Chính vì vậy, một trong những mệt mỏi lớn của chúng tôi là sự bức xúc của hàng trăm bệnh nhân đang cách ly theo dõi. Thuộc diện tình nghi là người ta vào viện thôi, có xét nghiệm âm tính người ta lại được ra. Nhóm này mới là nhóm căng thẳng. Những người mà xét nghiệm có kết quả dương tính biết chắc có bệnh rồi thì họ hiểu một điều rằng họ phải điều trị, phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Nhưng nhóm kia thì không chắc mình có bệnh hay không.
Thực tế thì người ta đang đi du lịch, đang có rất nhiều kế hoạch hưởng thụ mùa lễ Tết, bây giờ bắt người ta phải cách ly với cuộc sống bên ngoài, không được đi lại, không được hoạt động, chấp nhận các dịch vụ tối thiểu… thì người ta khó chịu chứ. Người ta đang được đi ăn nhà hàng đặc sản bây giờ vào bệnh viện chỉ được phục vụ cơm thường với bánh chưng thôi, họ khó chịu chứ. Nhưng làm sao mà có thể lý tưởng hơn những điều tối ưu đó!
Cho nên một là gì? Lo lắng thái quá! Hai là không hợp tác. Có người còn không muốn cách ly, tôi phải được đi chơi cơ. Thứ ba là những trường hợp hợp tác tuy nhiên chờ lâu quá, rồi thức ăn chưa phù hợp, hoặc là phòng ốc không được như ý sinh ra suy sụp, tình trạng bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng. Đó là tất cả những ca đang cách ly ở tầng 6, tầng 7, hai tầng cao nhất của bệnh viện. Tại đó là những câu chuyện bếp núc, hậu trường đằng sau điều trị cực kỳ căng thẳng.
Lúc này thì chúng ta nên nhìn vào mục tiêu lớn nhất là tất cả đều muốn chiến thắng dịch để mà tìm ra sự phối hợp giữa cộng đồng, bệnh nhân với nhân viên y tế. Nếu như chúng ta phối hợp với nhau, thông cảm cho nhau thì mọi việc sẽ trôi chảy hơn; còn nếu không cứ đổ bức xúc lên đầu của nhân viên y tế thì sự căng thẳng của nhân viên y tế sẽ bị tăng lên gấp 2, gấp 3 thậm chí là gấp nhiều lần. Và hiệu quả làm việc của nhân viên y tế sẽ giảm đi một cách tương xứng.
Thanh An: Vậy liệu tất cả các y bác sĩ vẫn đang sẵn sàng vượt qua những ngổn ngang này để chống dịch?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Tất cả mọi người đều sẵn sàng. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa thấy có trường hợp nào đào ngũ cả. Tuy nhiên, những lực lượng phụ cận bên cạnh chúng tôi có thể họ sẽ nghỉ việc. Ví dụ như là những người lau dọn vệ sinh, những người phục vụ nhà ăn, hoặc thậm chí là bảo vệ. Đấy là những vấn đề mà trong khi chiến đấu với dịch chúng tôi cũng phải đối mặt.
Khi nhân viên vệ sinh họ nghỉ thì ai sẽ là người thực hiện công việc này. Chúng ta phải nhớ rằng, phòng bệnh nếu không được vệ sinh thường xuyên, đạt chuẩn thì chính những người đang nằm theo dõi, cách ly sẽ lại sùng sục lên bất bình. Hơn nữa người làm vệ sinh đúng quy chuẩn của bệnh viện, đặc biệt là Khoa Cấp cứu có tiêu chuẩn cách ly, khử trùng tránh lây nhiễm nghiêm ngặt như chúng tôi là rất quan trọng. Đấy là những vấn đề đằng sau, có thể rất nhỏ nhưng vô cùng hiểm yếu như gót chân Achilles. Chiến thắng dịch không đơn giản chỉ là hào quang của những bác sĩ điều trị thành công mà chúng ta vẫn được vỗ tay, tặng hoa mà đằng sau đó là sự đóng góp của vô vàn những nhân tố khác.
Thanh An: Ông vừa từ Viện Vệ sinh dịch tễ về và ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa bệnh viện Nhiệt đới TW với Viện Vệ sinh dịch tễ TW và các cơ quan y tế liên quan đến thời điểm này?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Không phải riêng mỗi Viện dịch tễ đâu mà hệ thống y tế dự phòng và hệ thống điều trị là hai hệ thống đã gắn chặt với nhau trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã phối hợp với nhau rất tốt trong nhiều vụ dịch. Thậm chí có những câu chuyện xúc động ngay trong vụ dịch này mà chúng tôi đã cùng trải qua. Tôi nhớ đúng vào thời điểm đột xuất chúng tôi thiếu khẩu trang y tế, lý do là vì quá trình vận chuyển trang thiết bị bảo hộ trong đó có khẩu trang từ chỗ nọ đến chỗ kia chưa kịp do tình trạng quá tải khi dịch mới xuất hiện. Thời điểm đó bệnh nhân đến khoa để khám sàng lọc rất đông. Mỗi bệnh nhân lại kèm thêm vài người nhà phải sử dụng khẩu trang dẫn đến số tiêu hao tăng đột biến.
Trong cái lúc mình cần ngay lập tức, đi lấy chỗ khác không thể kịp, tôi có nhờ anh em bên ấy. Và các bạn bên ấy đã sẵn sàng san sẻ ngay lập tức phần của họ sang cho bên mình, giúp chúng tôi vận hành quy trình đón bệnh nhân trơn tru và an toàn. Tôi nghĩ đấy chính là hành động vừa thể hiện trách nhiệm vừa là tình cảm đồng nghiệp, đồng chí chung chiến hào.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm rất tốt công việc phân loại, cách ly các ca nghi nhiễm. Duy có điểm tôi lo ngại đó là hệ thống thông tin liên lạc, phối hợp giữa các bên đôi khi còn chưa được tốt. Ví dụ bệnh viện nào đấy trước khi chuyển bệnh nhân đến chỗ chúng tôi, đúng ra họ nên liên hệ trước để chúng tôi chuẩn bị. Thế nhưng không phải trường hợp nào cũng làm việc đó. Họ cứ bất ngờ chuyển lên hoặc cách liên lạc đôi khi không hiệu quả. Cũng có thể là họ không biết tìm ai để thông báo hoặc là họ quên mất việc cần gọi đến thông báo trước.
Thanh An: Câu chuyện Khoa Cấp cứu nhất thời thiếu khẩu trang khiến tôi nhớ đến tình trạng tranh giành mua khẩu trang y tế trên thị trường thời điểm này?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Chuyện sử dụng khẩu trang, đáng lẽ chúng ta phải biết SỬ DỤNG ĐÚNG từ rất lâu rồi. Khẩu trang được chỉ định cho bất kỳ ai có triệu chứng về hô hấp (ho, hắt hơi, sổ mũi…) thì nên đeo khẩu trang để bảo vệ cho những người xung quanh. Khi tất cả mọi cá nhân có vấn đề về sức khỏe hô hấp đều có ý thức bảo vệ cho những người mạnh khỏe xung quanh thì dịch bệnh về hô hấp trong cộng đồng sẽ rất ít nguy cơ xảy ra. Nó cũng giống như chúng ta sống trong một xã hội an toàn thì bản thân chúng ta cũng được an toàn.
Thế nhưng Việt Nam thời điểm này đang đi theo chiều ngược lại: người có bệnh rất ít ý thức bảo vệ cho người khỏe xung quanh. Vì tư duy “Tao bị rồi mà! Tao đang ốm, chúng mày phải lo cho tao chứ, sao tao phải đi lo cho chúng mày? Bị hay không kệ chúng mày!” Từ đó người khỏe lại phải đi đeo khẩu trang. Đấy là một điều rất ngược đời!
Nó xuất phát từ ý thức xã hội. Nếu ở những xã hội phát triển ý thức xã hội của mỗi cá nhân được nâng cao, thay vì 100 người lành đeo khẩu trang thì 1 người bệnh hãy đeo khẩu trang đi. Vấn đề nó sẽ tốt hơn rất nhiều, hiệu quả hơn rất nhiều, tiết kiệm chi phí xã hội rất nhiều. Tránh được chuyện tranh giành đi mua khẩu trang tích trữ như thế này.
Sự trái ngang này có lý do sâu xa là thực sự chúng ta đang mất lòng tin vào nhau. Chúng ta không tin rằng những người xung quanh mình có trung thực hay trách nhiệm về bệnh sử của họ hay không? Rồi chúng ta quyết rằng sống chết gì chúng ta cũng phải tự bảo vệ mình. Đấy là điểm tôi nghĩ rằng không chỉ đang có vấn đề trong hoạt động phòng chống dịch bệnh mà thậm chí ngay với các vấn đề xã hội khác hiện nay đều đang mắc phải, từ rác thải cho đến giao thông cũng vậy!
Thanh An: Có nghĩa là chỉ vì chúng ta thiếu kiến thức, rồi thiếu ý thức mà chính chúng ta đang tự tạo ra những những lộn xộn không cần thiết trong xã hội tại thời điểm này?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Thực tế là thế này, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên website của bộ Y tế hoặc là các pano, tờ bướm, tờ rơi mà Bộ Y tế đã in ra khá nhiều, dán ở những nơi công cộng đều cung cấp các thông tin rất chuẩn mực rằng khi có những triệu chứng như thế này thế này thì đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Tại đó các thầy thuốc sẽ có trách nhiệm đánh giá liệu cần chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TW hay không. Nhưng người dân lại rất ít sự bình tĩnh, đọc tài liệu không kỹ càng, nghe thông tin không đầy đủ dẫn đến lựa chọn hành vi rất thiếu suy nghĩ: từ một nơi rất xa cũng phải đến tận Bệnh viện Nhiệt đới TW để khám mới yên tâm.
Chưa nói đến chuyện quá tải hay nguy cơ lây nhiễm chéo tại viện, trên quãng đường di chuyển đó hãy thử tưởng tượng chúng ta là đối tượng cực kỳ nguy cơ mà lại thản nhiên lên một chuyến xe 35 – 40 người, không đeo khẩu trang, ho, hắt hơi thoải mái, đi 300 – 400km đến Bệnh viện Nhiệt đới TW. Hành vi ấy là vô cùng nguy hiểm.
Thanh An: Quả thực là tôi chỉ mong dịch qua thật nhanh để tất cả chúng ta trong đó có các nhân viên y tế bớt căng thẳng. Sau một đợt dịch, các ông sẽ được giãn nghỉ chứ?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: À tôi lại kể lại câu chuyện nhân viên y tế đi nghỉ sau vụ dịch. Vụ dịch SARS 2003, chúng ta đóng cửa toàn bộ các khu du lịch. Và sau khi chống SARS thành công, bệnh viện Nhiệt đới TW là đoàn khách đầu tiên vào Thanh Hóa nghỉ. Và vì là đoàn khách đầu tiên cho nên đã bị chặt chém cho tơi tả rụng rời luôn.
Thanh An: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có thể sẽ đọc được thông tin này đấy nhé!
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Không! Tôi lại muốn lãnh đạo ngành du lịch biết được điều này. Bởi vì chính xác là như vậy. Sau rất nhiều vụ dịch tình trạng đó vẫn cứ bị diễn ra.
Tôi nhớ vụ dịch cúm, đồng nghiệp của chúng tôi ở trên Lào Cai đã gặp phải trường hợp có đoàn khách lên và họ bị dính cúm. Thời điểm đó, họ phải cách ly trong khoa Nhiệt đới ở bệnh viện Đa khoa Lào Cai. Nhân viên trong khoa phải tổ chức theo dõi, chẩn đoán điều trị, phục vụ hậu cần ăn uống… tất cả mọi thứ cho đoàn. Thế và đến buổi tối, anh trưởng khoa mới mặc thường phục trò chuyện với 2 cô nhân viên của ngành du lịch. Hai cô này không biết, ngồi thở than với nhau rằng: “Không biết ở đây chúng nó có chống dịch được không chứ nó mà không chống được thì mình chết đói”. Anh ấy mới đề cập rằng: bây giờ người ta đang bận chống dịch liệu các cô có thể lo việc ăn uống giúp người ta. Thì hai cô trả lời một cách rất thản nhiên: “Đấy là việc của chúng nó chứ!”
Chua chát không? Đó là câu chuyện hoàn toàn có thực. Có lẽ câu chuyện này Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cũng nên biết. Nó giống như chuyện một ngôi nhà bị cháy, cứu hỏa đến chữa cháy người ta mệt quá, khát nước quá mà chủ nhà lại bảo: “Khát kệ xác nó!”. Lúc này đương nhiên hiệu quả chữa cháy sẽ bị giảm vì nhân viên cứu hỏa đã bị kiệt sức trước rồi.
Thanh An: Một lời khuyên mà bác sĩ muốn dành cho mọi người trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp sẽ là gì?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Tôi nghĩ một lời nhắc nhở nghiêm túc thì đúng hơn, nếu có thể đừng để cơ thể của mình có vấn đề trong môi trường dịch đang diễn biến phức tạp như thế này. Đừng tạo cơ hội dù là nhỏ nhất cho mầm bệnh phát tác.
Muốn như vậy thì đương nhiên rồi, bất kỳ ai trong xã hội cũng đều phải có và duy trình các hành vi lành mạnh trong đời sống để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh. Một khi có được cơ thể khỏe mạnh thì các mầm bệnh tiềm tàng trong môi trường sẽ ít có cơ hội tác động đến chúng ta. Một khi cơ thể chúng ta khỏe mạnh thì các mầm bệnh sẽ ít có cơ hội phát tác.
Với dịch bệnh về hô hấp, chúng ta cần hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Những người có dấu hiệu bệnh cần đeo ngay khẩu trang để tránh lây nhiễm sang người khỏe, và đến ngay cơ sở y tế gần nhất thăm khám.
Thanh An: Rất cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện! Chỉ mong bác sĩ và các đồng nghiệp của mình sẽ luôn vững vàng, sớm chiến thắng đối thủ trong cuộc chiến cam go này!