Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Vào ngày 24/3/1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.
BỆNH LAO LÀ GÌ?
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra, là nguyên nhân tử vong ĐỨNG THỨ HAI trong các bệnh nhiễm trùng. Mỗi năm có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu. Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh và 12.000 người tử vong do lao (năm 2021)
Theo bộ phận mắc bệnh, bệnh lao được chia thành 2 nhóm:
+ Lao phổi: thường gặp nhất là bệnh lao phổi (chiếm 80 – 85%) và là NGUỒN LÂY CHÍNH cho cộng đồng.
+ Lao ngoài phổi: lao hạch bạch huyết, loa màng não, lao xương khớp, lao màng bụng, lao hệ sinh dịch – tiết niệu, lao ruột.
Theo thể hoạt động, bệnh lao được chia thành hai thể:
+ Lao thể tiềm ẩn: là những người đã nhiễm vi khuẩn lao trong cơ thể, nhưng vi khuẩn lao chưa hoạt động, sinh trưởng, đợi thời khi sức khỏe của con người suy giảm để gây bệnh.
+ Bệnh lao (thể hoạt động): Lúc này, vi khuẩn lao hoạt động khiến cơ thể có những triệu chứng của lao như ho, ho ra máu, sốt, sút cân, khó thở,… Lúc này, xét nghiệm sẽ tìm thấy trực khuẩn lao.
Lao là căn bệnh có tỷ lệ TỬ VONG CAO nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh từ trẻ em cho đến người lớn, đặc biệt là người có hệ miễn dịch kém.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH LAO
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân chính gây nên bệnh lao.
Vi khuẩn lao phát tán ra ngoài lúc người mắc lao phổi HO, NÓI, HẮT HƠI, KHẠC NHỔ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể hít vào và gây bệnh.
Điểm đáng chú ý là khả năng KHÁNG LẠI CỒN, AXIT VÀ NHIỆT ĐỘ của vi khuẩn lao rất CAO. Vi khuẩn lao trong đờm, rác ẩm và tối được nhiều tuần, chết ở nhiệt độ 1000C/5 phút và dưới ánh nắng mặt trời sẽ bị mất khả năng gây bệnh.
ĐỐI TƯỢNG NÀO SẼ BỊ MẮC BỆNH LAO?
BẤT CỨ AI CŨNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH LAO, nhưng ở một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như người có tiếp xúc với người mắc bệnh lao hoặc những người có hệ miễn dịch suy giảm: HIV/AIDS, bệnh đái tháo đường, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh nhân ung thư đang điều trị bệnh, người bệnh suy dinh dưỡng, trẻ nhỏ và người cao tuổi.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH LAO
Thông thường, bệnh lao có biểu hiện sốt, sụt cân, đổ mồ hôi đêm hoặc ho dai dẳng. Các triệu chứng của bệnh lao bao gồm:
- Sốt,
- Đổ mồ hôi đêm,
- Ớn lạnh,
- Biếng ăn,
- Ho kéo dài ba tuần hoặc lâu hơn,
- Ho ra máu,
- Đau ngực, hoặc đau khi hít thở hay ho,
- Sụt cân không chủ ý,
- Mệt mỏi.
Ngoài ra, bệnh lao có thể gây bệnh tại nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Khi người bệnh mắc lao ngoài phổi, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau. Ví dụ, lao cột sống sẽ có triệu chứng đau lưng, lao ở thận bệnh nhân có thể tiểu ra máu.
PHÒNG NGỪA BỆNH LAO
Lao là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng. Những người mắc bệnh lao có khả năng truyền nhiễm bệnh cho những người họ tiếp xúc mỗi ngày như người thân trong gia đình, đồng nghiệp. Nếu đã từng tiếp xúc với người mắc bệnh lao, nên sớm đến bệnh viện kiểm tra.
Để phòng ngừa bệnh lao, người dân cần tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Nếu công việc của bạn cần tiếp xúc với người bệnh lao hãy đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ. Tránh đi đến những nơi đông đúc, kém vệ sinh.
Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày để cải thiện khả năng tuần hoàn máu và hệ miễn dịch. Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng.
Khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.