• Tiếng Việt
  • English
  • Cambodia
  • Home / Chuyên khoa / Các chuyên khoa / VÀNG DA SƠ SINH: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa.

    VÀNG DA SƠ SINH: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa.

    Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Vàng da ở trẻ sơ sinh có 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý chiếm 75% các trường hợp vàng da sơ sinh.

    Vàng da ở trẻ sơ sinh

    Vàng da sơ sinh là gì?

    Vàng da sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng, thường là do tăng bilirubin gián tiếp – một thành phần được giải phóng ra khi hồng cầu bị vỡ. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh.

    Vàng da sơ sinh gồm vàng da sinh lí và vàng da bệnh lí. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh (bệnh lý não cấp và mạn do bilirubin), do bilirubin gián tiếp thấm vào não. Hậu quả là trẻ sẽ tử vong hoặc bị di chứng não suốt đời.

    Phát hiện vàng da sơ sinh bằng cách nào?

    Vàng da xuất hiện đầu tiên ở mặt và củng mạc, tiếp đến là thân mình, đến cẳng tay, cẳng chân và cuối cùng tới lòng bàn tay và bàn chân. Bệnh được phát hiện bằng cách dùng ngón tay ấn vào da trong khoảng 5 giây, buông ra quan sát xem da có vàng không, quan sát dưới ánh sáng tự nhiên.

    Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và điều trị vàng da sơ sinh càng sớm càng tốt, tránh xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh.

    Các phương pháp điều trị vàng da sơ sinh

    Theo BS.CKI Nguyễn Thùy Linh – Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Nhi BVĐK huyện Quốc Oai, vàng da sơ sinh nhẹ thường sẽ tự hết khi gan của trẻ bắt đầu trưởng thành. Cho trẻ bú thường xuyên (từ 8 – 12 lần/ngày) sẽ giúp trẻ đào thải bilirubin qua cơ thể.

    Tình trạng vàng da nặng hơn có thể cần đến các phương pháp điều trị khác, bao gồm:

    • Chiếu đèn: là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả nhất, khá an toàn, đơn giản và kinh tế.
    • Thay máu: được chỉ định khi trẻ có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do bilirubin trong máu tăng cao.

    Trong đó, Chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh an toàn và hiệu quả

    Khoa Nhi BVĐK huyện Quốc Oai đã áp dụng phương pháp chiếu đèn vàng da trong điều trị vàng da sơ sinh từ nhiều năm trở lại đây. Năm 2023, khoa Nhi đã điều trị thành công cho 146 ca bệnh nhi có chẩn đoán vàng da sơ sinh bằng phương pháp chiếu đèn. Năm 2024, với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân trên địa bàn huyện, bệnh viện đã đầu tư thêm đèn chiếu nâng tổng số đèn chiếu hiện tại lên 04 đèn tăng khả năng tiếp nhận điều trị lên 08 trẻ/ lần.

    Chiếu đèn – phương pháp điều trị vàng da an toàn, hiệu quả

    Bs CKI Nguyễn Thùy Linh chia sẻ: “Khi bilirubin tăng đến ngưỡng phải điều trị (ngưỡng này thay đổi theo ngày tuổi, cân nặng và tình trạng của bé), bác sĩ sẽ chỉ định chiếu đèn để điều trị vàng da. Dưới tác dụng của ánh sáng, bilirubin sẽ được đào thải qua gan (qua mật) và thận (qua nước tiểu). Để chiếu đèn hiệu quả, ánh đèn cần chiếu trực tiếp trên da, trẻ được cởi hết quần áo, che mắt và bộ phận sinh dục. 

    Hầu hết các bệnh nhân vàng da đều cải thiện  sau chiếu đèn liên tục. Thời gian chiếu đèn phụ thuộc vào tình trạng vàng da của trẻ”

    Sử dụng phương pháp chiếu đèn trong điều trị vàng da sơ sinh tại khoa Nhi, BVĐK huyện Quốc Oai

    Khoa Nhi, Bệnh viện huyện Quốc Oai với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn, cơ sở vật chất kháng trang, hiện đại, là địa chỉ đáng tin cậy, cung cấp dịch vụ khám chữa, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho các thiên thần nhỏ, mầm non tương lai của đất nước trên địa bản huyện.